Hoạt động của TAND hai cấp đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 TAND hai cấp đã thụ lý 10.923 vụ án các loại, tăng 1.404 vụ, (chiếm 14,74%) so cùng kỳ; đã giải quyết bằng các hình thức 9.086 vụ, đạt 83,18% so với số thụ lý, so cùng kỳ giải quyết tăng 1.061 vụ, tăng 13,22%. Riêng TAND thành phố Cà Mau đã giải quyết 2.873/3.234 vụ, đạt 88,84%; TAND huyện Ngọc Hiển đã giải quyết 503/611 vụ, đạt 82,3%; TAND huyện U Minh trong năm 2012 đã giải quyết 360/426 vụ, đạt 84,5% và 9 tháng đầu năm 2013 giải quyết 205/397 vụ, đạt 51,63%. Việc xét xử các vụ án về cơ bản đảm bảo theo tinh thần cải cách tư pháp. Về án hình sự TAND hai cấp đã giải quyết đạt 91,75%, không có án quá hạn luật định. Một số vụ án điểm, dư luận quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, góp phần tích cực vào công tác giáo dục ý thức phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Về án dân sự, TAND hai cấp đã tập trung giải quyết đạt 75,74% trên tổng số thụ lý. Các loại án về hôn nhân gia đình, án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động đều tăng so cùng kỳ, nhưng đã được TAND hai cấp tích cực giải quyết đạt tỷ lệ từ 70% trở lên.
Tổ chức và hoạt động của hội thẩm nhân dân (HTND) luôn được quan tâm, hằng năm các vị hội thẩm đều được tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng; được địa phương hỗ trợ kinh phí; hầu hết đều tích cực và tham gia đầy đủ các phiên tòa theo sự phân công. Tại các phiên tòa, HTND tham gia tích cực trong việc nghiên cứu hồ sơ, xét hỏi và thể hiện quan điểm của mình khi xét xử.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, TAND hai cấp còn những khó khăn, hạn chế nhất định:
- Tỷ lệ án bị hủy, sửa còn nhiều. Toàn tỉnh có 104 vụ án bị hủy, chiếm 1,14%; án bị sửa 210 vụ, chiếm 2,31%. Riêng án do TAND tỉnh xét xử bị hủy trong kỳ 26 vụ, chiếm 2,29%. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như: đương sự bổ sung thêm những chứng cứ mới tại Tòa cấp phúc thẩm làm thay đổi tình tiết vụ án, các vụ án tranh chấp đất đai luôn có tính chất phức tạp…. có nhiều bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử; do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; do trình độ, năng lực của thẩm phán còn hạn chế, nhận thức, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, chính xác, chưa xem xét toàn diện hồ sơ vụ án. Một số bản án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án vẫn còn xảy ra.
- Án quá hạn luật định toàn tỉnh còn 18 vụ, nhiều nhất là TAND huyện U Minh (12 vụ). Theo báo cáo của TAND tỉnh, nguyên nhân do lượng án thụ lý tăng nhiều, áp lực công việc lớn, bình quân mỗi thẩm phán phải giải quyết là 7,6 vụ/tháng; do tình trạng đương sự đi khỏi địa phương, việc bàn giao các văn bản tố tụng gặp khó khăn; một số vụ án dân sự có liên quan đến nhiều đương sự ở nhiều nơi khác nhau, có khi đương sự không hợp tác. Hạn chế nêu trên còn có nguyên nhân từ ý thức, trách nhiệm của một số thẩm phán, chưa tích cực trong việc giải quyết án. Có nơi lượng án tăng không nhiều hoặc giảm, nhưng án quá hạn luật định vẫn còn xảy ra (như Tòa án huyện U Minh trong 9 tháng đầu năm 2013 thụ lý mới giảm 02 vụ so cùng kỳ, nhưng lượng án quá hạn luật định còn 12 vụ; tỷ lệ giải quyết án mới đạt 51,63%).
- Việc phối hợp giải quyết án giữa Tòa án và VKS có mặt chưa tốt; có trường hợp chưa thống nhất với nhau trong nhận thức, quan điểm đối với từng vụ việc, việc đánh giá chứng cứ một số vụ án chưa có sự đồng thuận, dẫn đến việc hoàn trả hồ sơ giữa Tòa án và Viện Kiểm sát. Có trường hợp Tòa trả hồ sơ nhưng không được VKS chấp nhận (hoàn trả 99 vụ - 202 bị cáo, VKS không chấp nhận 53 vụ – 100 bị cáo), đã làm kéo dài thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Tranh tụng tại phiên tòa của bị cáo và các đương sự ở nhiều vụ án còn hạn chế do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật; việc tuyên truyền, giải thích pháp luật của cán bộ TAND cũng còn hạn chế nên họ chưa có điều kiện để hiểu và thực hiện đầy đủ quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính và các cơ quan có liên quan trong một số hoạt động phục vụ cho công tác xét xử còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số cơ quan chuyên môn về đăng ký quyền sử dụng đất, thẩm định giá, tổ chức giám định… khi Tòa có văn bản đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu hoặc trưng cầu giám định liên quan đến vụ án, các cơ quan này chậm trả lời hoặc từ chối giám định, làm chậm tiến độ giải quyết án hoặc không thể đưa vụ án ra xét xử được do thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.
- Về kinh phí, cở sở vật chất, điều kiện làm việc ở một số nơi còn hạn chế, điển hình là trụ sở TAND thành phố Cà Mau, TAND các huyện: Trần Văn Thời, U Minh và Cái Nước đã xuống cấp, quá chật hẹp nhưng chưa được xây mới để đảm bảo hoạt động xét xử và làm việc của đơn vị.
Từ thực trạng trên, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành Tòa án, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khi phân bổ kinh phí cho các đơn vị Tòa án cần xem xét tăng thêm cho vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn như Cà Mau. Vì kinh phí phân bổ cho các Tòa án địa phương như hiện nay là chưa hợp lý, chưa tính đến đặc thù của các vùng miền. Xem xét, có kế hoạch sớm đầu tư xây dựng trụ sở mới cho một số Tòa án cấp huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau; trong đó có Tòa án thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, U Minh và Cái Nước. Trụ sở các đơn vị này xuống cấp, chật hẹp, thiếu chỗ làm việc và hội trường xét xử; số lượng án phải xét xử hàng năm rất nhiều nhưng chưa được đầu tư xây dựng thêm.
UBND tỉnh Cà Mau tăng cường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố Cà Mau thực hiện tốt hơn việc cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu và phối hợp tốt với TAND để tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án liên quan đến đất đai, nhất là trong việc đo đạc, thẩm định, định giá đất, tài sản gắn liền trên đất… để phục vụ tốt hơn hoạt động xét xử và THADS. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Cơ quan THADS trong việc xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, kê biên, cưỡng chế thi hành án… nhằm nâng cao hiệu quả công tác THADS ở địa phương. Chỉ đạo UBND các huyện thực hiện cấp kinh phí hoạt động cho Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, có giải pháp để TAND thành phố Cà Mau hoàn thành thủ tục để xây dựng trụ sở mới đảm bảo cho hoạt động. Vì hiện nay TAND thành phố Cà Mau đã được UBND tỉnh cấp đất để xây dựng trụ sở mới, nhưng đơn vị không có nguồn để hoàn trả tiền đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau cần chú trọng hơn đến công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; có biện pháp tăng cường công tác quản lý, giáo dục, thường xuyên đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ của ngành; chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của thẩm phán và HTND; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng xét xử. Có kế hoạch chỉ đạo các Tòa chuyên trách và TAND huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xét xử các loại án đảm bảo thời gian, chất lượng, không để án tồn đọng, án quá hạn luật định, hạn chế thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, bị sửa... tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật gắn với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và điều kiện của ngành để giúp bị cáo và các đương sự hiểu các quy định và tham gia tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; chỉ đạo kiên quyết khắc phục tình trạng án tuyên không rõ, không có địa chỉ của người phải thi hành án hoặc không ghi tên cha, mẹ của người phải thi hành án là trẻ chưa vị thanh niên… Chánh án TAND tỉnh phối hợp với VKSND tỉnh sớm xây dựng Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ, để đảm bảo hoạt động truy tố, xét xử đúng quy định của pháp luật, ngày càng hiệu quả hơn. Hạn chế việc hoàn trả hồ sơ không được các bên chấp nhận như thời gian qua. Về hỗ trợ kinh phí cho TAND theo Công văn liên tịch số 16588/CVLT-BTC-TANDTC, đề nghị lãnh đạo TAND hai cấp hàng năm chủ động lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp báo cáo UBND cùng cấp để UBND trình HĐND xem xét, quyết định hỗ trợ để đảm bảo hoạt động của ngành.
Nguyễn Sơn Ca